Logo

Mở hướng phát triển ở Đồng Dương

Chuyên mục: DI TÍCH
Lượt xem: 691

Di tích Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt cách đây tròn 3 năm. Vào ngày 7.12.2019, Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình tổ chức Lễ đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Hiện nay, mọi công tác chuẩn bị đã được các ngành chuyên môn huyện Thăng Bình và địa phương tích cực triển khai cho sự kiện quan trọng này. Trong đó, sự hưởng ứng tích cực của người dân lúc này chính là cơ sở cho công tác bảo tồn phát huy giá trị di tích sau này.

Nhân dân thôn Đồng Dương tổ chức phát quang bụi rậm quanh khu vực “Tháp sáng”.

Sau khi nghe thông tin UBND huyện Thăng Bình sẽ tổ chức Lễ đón Bằng di tích Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, người dân thôn Đồng Dương ai nấy đều tỏ ra rất phấn khởi. Bởi, di tích mang đậm dấu ấn Chăm Pa gắn liền với quá trình phát triển của địa phương được công nhận đã lâu, trải qua nhiều công đoạn, thủ tục, đến nay di tích mới được công nhận một cách đúng nghĩa.

Cách đây chừng nửa tháng, tranh thủ ngày Chủ nhật, người dân thôn Đồng Dương đã tập trung tại khuôn viên khu vực “Tháp Sáng” để phát quang bụi rậm, tạo mặt bằng thông thoáng để đại biểu và du khách đến tham quan di tích duy nhất còn sót lại của Phật viện.

Không ai bảo ai, mỗi người mỗi phần việc từ công đoạn đốn đổ cây tạp, phát quang bụi rậm đến việc thu gom, tất cả đều với khí thế sôi nổi trong tâm thế tự hào của những người con quê hương. Ông Trương Thanh Dũng ở thôn Đồng Dương chia sẻ: “Khu đền tháp đã gắn bó với nhiều thế hệ con cháu tại thôn Đồng Dương. Thời chiến tranh, khu vực này còn có những hiện vật như tượng phật, các linh vật biểu trưng, nhưng do sự tàn phá của thiên nhiên, bom đạn và một số đối tượng xấu nên các hiện vật này không còn. Tuy nhiên với người dân địa phương, nơi đây vẫn là địa điểm tâm linh”.

Sau cú nhấc máy đặt phần “nửa buổi” cho bà con nhân dân tiếp sức, ông Nguyễn Đình Thi niềm nở  trả lời chúng tôi với sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng ở thôn Đồng Dương. Ông Thi cho hay, sau khi triển khai phát động dọn vệ sinh môi trường, bà con đã hưởng ứng nhiệt tình, mong muốn của nhân dân là sau khi đón Bằng công nhận, Nhà nước sẽ đầu tư nơi đây trở thành khu du lịch để tạo kế sinh nhai cho người dân trong thôn.

“Hậu duệ của người Chăm xưa là Tộc Trà, hiện chiếm phần lớn dân số của thôn Đồng Dương. Tộc Trà hiện còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị về văn hóa Chăm; đặc biệt là những món ăn truyền thống của người Chăm. Chúng tôi hy vọng khi Nhà nước có hướng đầu tư du lịch, sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân Tộc Trà nói riêng và người dân địa phương nói chung” – ông Thi hồ hởi  cho biết.

Để công tác tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia Phật viện Đồng Dương đảm bảo, UBND huyện Thăng Bình đã triển khai nhiều phần việc cụ thể, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về giá trị văn hóa của di tích. Còn với xã Bình Định Bắc, đây thực sự là cơ hội để quảng bá hình ảnh địa phương gắn với việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Theo ông Lê Văn Lợi – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, thôn Đồng Dương đã được công nhận “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” vào đầu năm 2019, đời sống người dân cơ bản ổn định với mức thu nhập trên 40 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của địa phương.

“Sau khi đón Bằng di tích cấp Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, địa phương mong muốn Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư về khảo cổ, du lịch để lan tỏa giá trị di tích.  Riêng đối với địa phương, trên cơ sở đề án phát triển kinh tế vùng Tây Thăng Bình, địa phương xác định phát triển thôn Đồng Dương trở thành điểm nhấn cho việc đầu tư hiện nay và những năm tiếp theo” – Ông Lê Văn Lợi nói.

Một tín hiệu vui với người dân thôn Đồng Dương, đó là tại Lễ đón Bằng công nhận, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Bất động sản Quang Anh (Hà Nội). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 240 tỷ đồng trên diện tích 32,6ha. Dự án tổng thể là khu bảo tồn, triển lãm, khu chiến trường. Điều này hứa hẹn mở ra điểm nhấn cho việc bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử; tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

VĂN TOÀN