Logo

Thăng Bình hỗ trợ tàu cá “3 không” hoàn thiện thủ tục sớm vươn khơi

Chuyên mục: KINH TẾ
Lượt xem: 369

Tàu cá “3 không” là một trong những trở ngại lớn cho việc khắc phục khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Hiện, ở huyện Thăng Bình vẫn còn nhiều tàu cá “3 không” cần làm hồ sơ, thủ tục đăng ký để ra khơi đánh bắt.

 

Nhiều tàu cá ở Thăng Bình neo đậu ở Âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, DuyXuyên) nên việc kiểm tra gặp không ít khó khăn.

Những ngày qua, tại 2/4 xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Nam, Bình Hải,  Đồn Biên phòng Bình Minh đã phối hợp với Chi cục phát triển nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thăng Bình và chính quyền địa phương lập thành các tổ để gặp từng chủ tàu cá “3 không” nhằm hướng dẫn họ làm hồ sơ, thủ tục đăng ký tàu cá. Việc đăng ký, đăng kiểm, cấp phép này phải hoàn thành trước ngày 31/8/2024.

Tại xã Bình Minh, Bình Hải, lực lượng biên phòng đã phối hợp với các ngành chuyên môn huyện và chính quyền địa phương lập thành các tổ để gặp từng chủ tàu cá “3 không” hướng dẫn họ làm hồ sơ, thủ tục đăng ký tàu cá. Thủ tục đăng ký tàu cá diện “3 không” phải đảm bảo "4 bước" như lập hồ sơ giám định máy tàu; kiểm tra an toàn kỹ thuật theo quy định; nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá diện “3 không” tại bãi nêu đậu. Trong đó, yêu cầu trên tàu phải có các trang thiết bị an toàn phòng nạn như phao cứu sinh, bình chữa cháy…

 

Hướng dẫn ngư dân ngư dân xã Bình Hải làm thủ tục đăng ký tàu cá.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Phi, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Minh cho biết, không chỉ tuyên truyền, hướng dẫn, chúng tôi còn xuống tận nhà “cầm tay chỉ việc” cho các chủ tàu làm các thủ tục cho kịp thời, đúng, đủ. Anh Phi cho biết thêm, vì ở Thăng Bình không có âu thuyền nên nhiều tàu đánh bắt xa bờ ở Thăng Bình phải neo đậu nhờ ở Âu thuyền Hồng Triều, xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên).

“Chúng tôi đã cử cán bộ ra tận đó để kiểm tra, và hướng dẫn làm thủ tục đăng ký, dù vất vả nhưng phải cố gắng sớm hoàn thành như kế hoạch”. Thiếu tá Nguyễn Thanh Phi nói.

Một thực tế hiện nay, để vươn khơi khai thác thủy sản, một số ngư dân đã tự ý cải hoán tàu cá, thay đổi máy móc thiết bị trên tàu. Do đó, khi đi làm thủ tục thì tàu cá thì bị vướng và cơ quan chức năng khi làm thủ tục cấp phép phải mất nhiều thời gian, phải chờ thay thế thiết bị đúng theo quy định.

Thực hiện theo quy định mới tại Thông tư 06, thì nhiều tàu cá ở Thăng Bình có cơ hội được đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản. Nhiều ngư dân đã tranh thủ thông tư này đến xã để được hướng dẫn làm hồ sơ hoàn thiện các thủ tục cho con tàu của mình.

Anh Trần Công Cường - Trưởng thôn Tân An (xã Bình Minh) cho biết, khi có thông báo chúng tôi đã vận động người dân đi làm thủ tục đăng ký làm thủ tục và để được cấp phép thì một số tàu buộc phải thay đổi lại máy móc thiết bị cho phù hợp với yêu cầu. Do đó, ngay khi nghe thông tin này, nhiều người đã tự giác thực hiện ngay các thủ tục theo quy định. Theo anh Cường, "Nay có cơ hội làm lại thì mình phải làm cho đúng để còn được vươn khơi đánh bắt, an tâm không lo bị xử phạt, vì mỗi lần vi phạm thì mức phạt rất nặng".

Mục tiêu chung của huyện Thăng Bình là cùng với toàn tỉnh Quảng Nam thực hiện các giải pháp để tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC cho ngành thủy sản. Đối với những tàu cá “3 không” còn vướng mắc, địa phương sẽ đề nghị cấp trên hỗ trợ, tạo điều kiện hoàn thành các thủ tục để sớm được cấp giấy phép.

Huyện Thăng Bình hiện có khoảng 181 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác hải sản) ở 4 xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Nam, Bình Hải. Hiện việc đăng ký, đăng kiểm đã được triển khai tại xã Bình Hải với trên 40 tàu đã làm xong thủ tục và xã Bình Minh là trên 22 tàu và đang tiếp tục triển khai tại 2 xã còn lại là Bình Dương và Bình Nam.

ĐÌNH HIỆP